Khởi nghiệp bằng nghề in áo thun chuyển nhiệt
Câu chuyện khởi nghiệp gần đây là đề tài được xã hội quan tâm rất nhiều. Có rất nhiều con đường khởi nghiệp và con đường in áo thun bằng phương pháp in chuyển nhiệt cũng là một giải pháp khởi nghiệp được nhiều bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên khởi nghiệp bằng nghề này có gì khó? Tỉ lệ thành công là bao nhiêu? Có nên tham gia vào ngành này hay không? Bài viết sẽ chia sẻ một số thông tin và quan điểm cá nhân để các bạn tham khảo. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.
Công nghệ in trực tiếp lên áo thun, bước tiến mà bạn phải hướng đến - Ảnh minh họa
Trước khi tìm đến bài viết này, hẳn là bạn đã tìm thấy nhiều thông tin về công nghệ in chuyển nhiệt hiện nay rồi đúng không? Đây là một giải pháp in áo thun rất phổ biến, được cộng đồng chia sẻ rất nhiều rồi. Về những thông tin cơ bản mình sẽ không viết lại nữa, nếu chưa biết thì các bạn hãy google thêm nhé! Bài viết này mình chỉ phân tích những yếu tố mà bạn cần có để khởi nghiệp bằng công nghệ này. Tất nhiên bài viết chỉ là quan điểm cá nhân, nên các bạn cứ xem như tham khảo thôi nhé!
Khởi nghiệp bằng nghề in áo thun chuyển nhiệt, dễ hay khó?
Đầu tiên cũng xin chia sẻ với các bạn là Áo thun AZ cũng khởi đầu bằng in chuyển nhiệt. Lúc đó làm khá vất vả, sau khi tậu được bộ máy về là phải lên mạng quảng cáo dịch vụ của mình, một ngày đăng khoảng trăm tin trên các mạng rao vặt, mạng xã hội,... Song song đó lại phải tập tành photoshop, corel để chỉnh sửa ảnh cho đẹp, rồi phải test máy, in thử. Lúc đó phải nói là cực kỳ vất vả luôn ấy chứ. Những đơn hàng đầu tiên thường là của bạn bè, người thân, đôi khi phải cho, phải tặng để giới thiệu sản phẩm. Mới vô làm, in lỗi là chuyện rất rất bình thường. Mình có đi học ngày nào đâu, lên youtube tìm clip về học rồi in thử. Lâu lâu có đơn hàng được 2, 3 áo mà in lỗi hết 4, 5 áo. Vẫn phải bỏ đi để làm lại. Tuy nhiên, với tinh thần cầu tiến, không sợ những thất bại nhỏ nhặt và xem nó như là kinh nghiệm thì đến hôm nay, Áo thun AZ cũng có một số thứ gọi là thành quả, có nguồn khách hàng khá ổn định vì sự uy tín của mình.
Qua những tâm sự bên trên, bạn đã thấy, khi khởi nghiệp bằng ngành này bạn phải chuẩn bị trước một số thứ như sau:
- Biết quy trình in áo thun chuyển nhiệt là như thế nào, ưu và nhược điểm. Cái này đơn giản, bạn lên google và youtube tìm, rất nhiều thông tin trên đó.
- Biết chỉnh sửa ảnh, xóa phông nền. Cái này cũng vậy, phải làm, phải tự học mới biết được.
- Biết marketing online. Đây là điều tất nhiên, vì những hạn chế của phương pháp in này là không in được trên áo tối màu, không in được trên áo 100% cotton,... nên thị trường trực tiếp là rất hạn chế. Bạn phải giới thiệu thêm trên mạng thì mới được. Khuyến nghị: nên có website, fanpage giới thiệu sản phẩm. Bạn nên nhớ, 1 ngày đăng 100 tin rao vặt, quảng cáo và kéo dài trong vài tháng là chuyện cực kỳ bình thường nhưng nó rất là chán, cực kỳ chán luôn ý. Tuy nhiên, không làm được thì tốt nhất không nên khởi nghiệp bằng nghề này.
- Tìm được nguồn áo thun chất lượng, giá hợp lý. Điều này quan trọng bậc nhất. Áo thun để in chuyển nhiệt trên thị trường không thiếu. Điều quan trọng là bạn phải xác định làm lâu dài, làm đến cùng hay không. Hay chỉ kiếm tiền rồi nghỉ. Do đó, việc chọn nơi cung cấp sản phẩm phù hợp để kinh doanh là điều rất quan trọng. Áo thun AZ cũng có cung cấp dòng sản phẩm này, bạn có thể tham khảo tại bài viết: Áo thun trơn chuyên dùng để in chuyển nhiệt
* Một chia sẻ nhỏ: các bạn phải xác định rõ đối tượng mình phục vụ là ai để từ đó chọn sản phẩm cho phù hợp và định giá cho chính xác. Ví dụ, Nếu chọn là công nhân là đối tượng khách hàng thì chất liệu áo không cần phải cao cấp, chọn loại vừa phải và giá hợp túi tiền là được.
Sau khi khởi nghiệp bằng ngành này, trụ được trong vòng 01 năm với mức thu nhập đủ sống, bạn phải nghiên cứu thêm các phương pháp in khác để đa dạng hóa sản phẩm của mình. Vì thực sự mà nói, nếu chỉ dựa vào in chuyển nhiệt không thôi thì chưa đủ để phát triển thành một doanh nghiệp lớn, mạnh.
Bạn có thể tham khảo thêm một số giải pháp in áo thun khác tại bài viết: Công nghệ in áo thun nào cho trải nghiệm tốt nhất?
Chúc các bạn khởi nghiệp thành công trên con đường này!